Cây xanh đô thị có một vai trò quan trọng trong đời sống con người, giúp cải thiện môi trường sống, làm đẹp thành phố, làm phong phú cuộc sống văn hóa dân cư đô thị.
Cây xanh đô thị có một vai trò quan trọng trong đời sống con người, giúp cải thiện môi trường sống, làm đẹp thành phố, làm phong phú cuộc sống văn hóa dân cư đô thị. Các mảng xanh tạo nên những khu nghỉ ngơi yên tĩnh cho người lớn, nơi hoạy động thể dục thể thao cho thanh thiếu niên, chỗ vui chơi giải trí cho trẻ em. Bên cạnh đó, cây xanh còn là một trong những yếu tố rất quan trọng trong kiến trúc cảnh quan. Về mặt thẩm mỹ cây xanh làm giảm bớt những nét khô ráp của kiến trúc, nhiều hình dáng đa dạng cùng với các màu sắc phong phú của hoa lá tạo nên sự hài hòa và sinh động trong cảnh quan.
Trồng nhiều cây xanh ở các khu dân cư đông đúc sẽ không chỉ giúp cho không khí ở đó trong lành hơn, mà cây còn có thể làm bóng mát ngăn chặn ánh nắng mặt trời, hạn chế tác hại của các bức xạ mặt trời lên người dân. |
Việt Nam là đất nước có bề dày kịch sử và văn hóa, trong đó truyền thống trồng cây xanh cho làng xã, và đô thị. Theo quan niệm của người Việt, cây xanh có tâm hồn, có ngữ nghĩa. Đất nước Việt Nam trải dài từ Bắc xuống Nam có các vùng khí hậu đa dạng, với các điều kiện tự nhiên, điều kiện nguồn nước và đất đai khác nhau giữa các địa phương, đó cũng chính là môi trường tốt cho sự phát triển đa dạng và phong phú của cây trồng.
Quá trình đô thị hóa đang diễn ra rất mạnh mẽ trên cả nước, hàng loạt các công trình kiến trúc mới xây dựng đang mọc lên nhanh chóng trong không gian đô thị. Trong khi đó, hệ thống cây xanh đô thị hiện vẫn còn trong tình trạng kém về hình thức và chất lượng cây trồng, chưa ăn nhập với cảnh quan kiến trúc, chưa thật sự góp phần tạo dựng đặc trưng cho các đô thị Việt Nam. Bởi vậy chúng ta cần phải nghiên cứu về quy hoạch cây xanh, không chỉ tăng về số lượng, mà đảm bảo lựa chọn loại cây xanh phù hợp với sinh thái, điều kiện tự nhiên và truyền thống của từng địa phương, để tạo bản sắc cho từng đô thị.
Thực trạng
Theo nội dung Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô Hà Nội đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050, Hà Nội đã đưa ra mục tiêu phát triển 1 triệu cây xanh vào năm 2020; quy hoạch phát triển hạ tầng đô thị, mục tiêu là tăng tỷ lệ cây xanh để cải thiện môi trường, nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân.
Xây dựng quy hoạch chiến lược hệ thống cây xanh đô thị nhằm phát triển dạng “đi tắt, đón đầu” trong quá trình phát triển đô thị, phù hợp với định hướng quy hoạch tổng thể thủ đô đến 2030, tầm nhìn đến 2050. Quy hoạch này cần chỉ rõ ba giai đoạn cụ thể: 1) ngắn hạn, 2) trung hạn, và 3) dài hạn. Các kịch bản hoạt động cần được cụ thể hóa trong các hoạt động thực tiễn và thường xuyên được cập nhất và điều chỉnh theo yêu cầu và điều kiện thực tế trong quá trình triển khai.
Quy hoạch chi tiết và thiết kế hệ thống cây xanh đô thị cần quan tâm đến tính chất đặc thù về không gian và hoạt động của con người trên từng tuyến đường, bao gồm: chủng loại cây, hình thức không gian, kích thước không gian, khống chế chiều cao cây, khoảng cách trồng cây… Từ đó góp phần hình thành các tuyến đường đặc trưng về cảnh quan và từng bước nâng cao chất lượng cảnh quan và môi trường cho đô thị Hà Nội. Cần gắn thiết kế cây xanh đô thị với công tác thiết kế đô thị.
Quy hoạch cây xanh phải được thực hiện và xem là một thành phần không thể thiếu trong quy hoạch hạ tầng kỹ thuật trong công tác quy hoạch xây dựng đô thị. Góp phần đồng bộ hóa hệ thống hạ tầng cảnh quan với hạ tầng kỹ thuật đô thị. Đồng thời chuẩn hóa công tác quản lý và kiểm soát không gian kiến trúc cảnh quan và không gian công trình ngầm đô thị. Từng bước hạn chế sự chồng chéo trong quản lý và thi công công trình ngầm đô thị giữa các ban ngành và lĩnh vực liên quan: giao thông, điện, cấp thoát nước, thông tin liên lạc, môi trường và cây xanh đô thị…
Ngoài ra, cần sớm triển khai thực hiện xây dựng hệ thống vườn ươm nhằm đảm bảo cung cấp cây con, cây giống, cây thay thế hay không gian giâm ủ và nguồn cung cấp cây xanh cho công tác trồng và phát triển cây xanh đô thị.
Còn đối với thành phố Hồ Chí Minh: Hiện trạng vỉa hè trong các khu dân cư hẹp, do quá trình đô thị hóa nhanh, các nhà cao tầng ngày một nhiều, cho nên thiếu không gian phát triển cây xanh. Các chủng loại cây có tính hướng quang cao như lim xẹt, phượng vĩ, sọ khỉ, bò cạp nước… thường bị lệch tán, nghiêng ra đường hoặc nơi có không gian rộng cho nên cây có nguy cơ gãy đổ cao trong mùa mưa bão. Đồng thời, tại những khu vực có nhiều nhà cao tầng còn tạo hiệu ứng gió đường hầm khiến hướng gió, sức gió thay đổi và gia tăng đột ngột khi có giông, lốc cũng là một trong những nguyên nhân làm cho cây xanh dễ ngã đổ.
UBND thành phố Hồ Chí Minh cũng nhìn nhận, việc tỉa, cắt cành nhánh chính của cây trong quá trình chăm sóc trước đây ảnh hưởng đến sự phát triển của cây xanh ở giai đoạn sau, tạo ra nhiều chồi bất định, cành nhánh thứ cấp rất dễ bị tét, gãy khi bị nặng hoặc khi có mưa, giông. Tình trạng xâm hại cây xanh diễn biến phức tạp dưới nhiều hình thức từ chủ động phá hoại (vướng mặt tiền nhà, quan điểm “phong thủy”…) hay sự thiếu ý thức trong quá trình thi công các công trình khiến hệ thống cây xanh luôn phải đối mặt với những rủi ro bất ngờ. Ngoài ra, các đơn vị thường sử dụng phương tiện cơ giới trong quá trình thi công gần gốc cây, cây bị xâm hại, thân bị tróc vỏ, gãy cành nhánh, rễ bị đứt, phơi lộ rễ trên mặt đất, thậm chí gây nghiêng cây, buộc phải đốn hạ khẩn cấp để bảo đảm an toàn. Cạnh đó, nhiều tuyến đường vẫn chưa ngầm hóa được hệ thống lưới điện, xảy ra tình trạng xung đột lưới điện với cây xanh. Cây xanh bị khai quang nhiều lần để bảo đảm an toàn điện cho nên phần lớn cây xanh bị lệch tán, thân nghiêng… mất mỹ quan đô thị và dễ gây ra gãy đổ trong mùa mưa bão.
Cây phượng tại trường THCS Bạch Đằng ngã đổ khiến một học sinh tử vong, 17 em bị thương nặng |
Theo Phó Chủ tịch UBND thành phố HCM Võ Văn Hoan: Để tránh những sự cố đáng tiếc và cải tạo lại hệ thống cây xanh, bên cạnh việc thực hiện công tác định kỳ, thường xuyên, thành phố xây dựng kế hoạch rà soát, kiểm tra và theo dõi tình trạng cây xanh và tuyến cây xanh tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn. Tiếp đó, sẽ có kế hoạch xử lý kịp thời (cắt, mé; chống, sửa; đốn hạ thay thế…). Thời gian qua, thành phố HCM chưa xây dựng đề án cải tạo, thay thế cây xanh toàn thành phố. Thành phố cũng chưa có nghiên cứu cụ thể về loài cây trồng trên đường phố phù hợp với điều kiện địa phương và có khả năng chống chịu trong mùa mưa bão. Qua thực tiễn quản lý, thành phố nhận thấy một số loài cây sau đây có ưu thế đáp ứng cơ bản các điều kiện trên: Me chua, mặc nưa, bằng lăng, giáng hương lá lớn, gõ mật…
Với những tồn tại nêu trên, TP Hồ Chí Minh kiến nghị Bộ Xây dựng về việc lựa chọn loại cây trồng trong đô thị phù hợp với điều kiện địa phương và có khả năng thích ứng chống chịu thiên tai. Sự chọn lựa này đòi hỏi phải nghiên cứu về đặc tính của chủng loại cây, thận trọng trồng khảo nghiệm trên đường phố trước khi trồng phổ biến. Thực tế, thời gian vừa qua, thành phố có trồng thử nghiệm nhiều loài cây, nhưng theo thời gian, một số loài cây bộc lộ những khiếm khuyết như: Cây long não dễ bị sâu bệnh, thường phải cắt cành nhánh khô đột ngột do sâu bệnh, tán cây thường bị lệch; cây kèn hồng có hoa đẹp nhưng hiện đang bị sâu đục thân gần gốc, tiềm ẩn nguy cơ ngã đổ… Do đó, đối với việc ban hành danh mục cây trồng đường phố, để địa phương chủ động trong việc trên cơ sở bảo đảm khả năng thích ứng tính chống chịu thiên tai, kiến nghị Bộ Xây dựng ban hành quy định, nguyên tắc khung đối với vấn đề này. Thành phố sẽ thực hiện nghiên cứu, khảo nghiệm để ban hành danh mục cây trồng đường phố có khả năng thích ứng chống chịu thiên tai phù hợp với địa phương.
Thành phố HCM cũng kiến nghị Bộ Xây dựng sớm ban hành thông tư hướng dẫn cụ thể để các địa phương có cơ sở và thuận lợi hơn trong việc áp dụng, tuân thủ. Trong đó, bổ sung hướng dẫn quy định việc quản lý, chăm sóc, bảo vệ và xử lý đốn hạ, di dời đối với cây được bảo tồn. Đối với trường hợp đốn hạ, di dời cây xanh trong quá trình chăm sóc, bảo quản cây của các đơn vị quản lý cây xanh, kiến nghị được miễn giấy phép đốn hạ, di dời và chỉ cần văn bản xem xét, chấp thuận của các cơ quan nhà nước chuyên ngành thuộc UBND thành phố (Sở Xây dựng hoặc UBND quận, huyện được phân cấp quản lý cây xanh) trước khi đốn hạ, di dời cây. Về quy định phạm vi an toàn bảo vệ cây và rễ cây: Với quy định bán kính vùng an toàn bảo vệ cây bằng mười lần đường kính cây tại chiều cao tiêu chuẩn, việc thi công các công trình gần cây xanh sẽ rất khó đáp ứng vùng an toàn (buộc phải đốn hạ cây hoặc phải vi phạm vùng an toàn). Do đó, kiến nghị Bộ Xây dựng điều chỉnh phạm vi bảo vệ cho phù hợp thực tế hoặc để thành phố chủ động xem xét cho từng trường hợp cụ thể, hạn chế đến mức thấp nhất ảnh hưởng đến cây xanh trong quá trình thi công.
Theo quy hoạch công viên cây xanh TP. Hồ Chí Minh đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2025, chỉ tiêu cây xanh khu vực nội thành là 2,4m2/người, khu vực nội thành mở rộng là 7,1m2/người, còn khu vực ngoại thành là 12m2/người.
Cùng với những bản quy hoạch của 2 thành phố đầu tàu của cả nước, việc quy hoạch hệ thông cây xanh cũng được nghiên cứu và đưa ra cho các thành phố, các tỉnh thành lớn nhỏ trên cả nước.
Để đưa ra những bản quy hoạch “hoành tráng” cho hiện tại và tầm nhìn cho thể hệ tương lai thì các nhà soạn thảo quy hoạch cũng phải tìm tới nhiều chuyên gia, nhiều mô hình của các nước và cùng với nhiều cuộc hội thảo lớn, nhỏ.
Theo, KTS. Trần Ngọc Chính, Chủ tịch Hội Quy hoạch Phát triển đô thị Việt Nam, Chủ tịch Hiệp hội Công viên cây xanh Việt Nam : Diện tích cây xanh đô thị của các đô thị ở Việt Nam, trong đó bao gồm chỉ tiêu đất cây xanh, tổng diện tích đất cây xanh cho toàn đô thị, từng khu vực đô thị, diện tích đất để phát triển công viên – vườn hoa chưa được quan tâm và đầu tư thích đáng.
Cụ thể, tỷ lệ đất cây xanh, công viên so với quy chuẩn, tiêu chuẩn hiện đạt rất thấp. Việc các khu đô thị mới thiếu vắng các không gian công cộng như quảng trường, vườn dạo, vườn hoa, công viên, cây xanh… đã làm cho chất lượng cuộc sống của cư dân đô thị suy giảm.
KTS. Chính kết luận: Gần như những quy hoạch cây xanh đô thị được đưa ra đều bị phá vỡ bởi nhiều lý do.
Chỉ cần nhìn ở 2 thành phố lớn nhất nước là Hà Nội và Hồ Chí Minh ta thấy một thực trạng là các cây xanh ngày càng thiếu vắng nhường chỗ cho các công trình đường xá, nhà cửa.
Những con đường xanh một thời được mệnh danh là đẹp nhất Thủ đô như Láng Hạ, Phạm Văn Đồng… cây cổ thụ đã không còn. Hệ quả là những mùa nóng vừa qua người dân Thủ đô đã phải đặt tên cho những con đường rợp bóng cây trước đây thành những tuyến đường “nóng dãy”.
Với TP. Hồ Chí Minh, tình trạng cũng tương tự, như những rặng xà cừ, hàng me có tuổi đời cả trăm năm trên đường Tôn Đức Thắng, Nguyễn Thị Minh Khai, Cách mạng Tháng tám, Phạm Ngọc Thạch… cũng đã biến mất; những khoảng không gian xanh công cộng từ các công viên cũng bị thu hẹp nhường chỗ cho các nhà hàng, các khu vui chơi giải trí, các bãi giữ xe…
Giải pháp
Đẩy mạnh công tác nghiên cứu và ứng dụng khoa học công nghệ trong cải thiện các đặc điểm sinh thái (học) của một số loài cây có vai trò trong hình thành không gian kiến trúc cảnh quan, cải tạo môi trường đô thị nhưng đang chịu sức ép về vấn đề biến đổi khí hậu hoặc ô nhiễm môi trường như ngày nay. Từ đó nghiên cứu và lai tạo ra các giống mới vừa giữ được những ưu điểm của chúng đối với môi trường sinh thái và thẩm mỹ không gian kiến trúc cảnh quan, nhưng đồng thời cải thiện khả năng thích ứng của chúng sự biến đổi của yếu tố môi trường và thời tiết.
Cây xanh trồng trên đường tại TPHCM có tán không quá rộng và độ cao vừa phải tránh trường hợp cây ngã đổ gây tai nạn (Ảnh cây xanh trên đường Mai Chí Thọ). Ảnh: CAO THĂNG |
Nghiên cứu thử nghiệm, trồng bổ sung một số loài cây mới (cây từ tự nhiên và cây nhập nội) theo quy trình cụ thể và nghiêm ngặt nhằm tìm ra những loài cây phù hợp với các điểu kiện mới; cây cần được tạo tán từ vườn ươm từ 5-10 năm để đảm bảo thích ứng với mọi điều kiện thời tiết. Có thể trồng thử mỗi nằm một vài loài cây mới tại các khu vực đặc trưng khác nhau về môi trường, điều kiện tự nhiên (nước ngầm, ô nhiễm…), không gian kiến trúc cảnh quan để lựa chọn các loài phù hợp trước khi trồng đại trà.
Tình trạng ô nhiễm môi trường càng trở nên trầm trọng, đòi hỏi các nhà chuyên môn cần nghiên cứu giá trị sinh thái cây xanh đô thị; khả năng hấp thụ chất ô nhiễm môi trường của từng loài cây xanh với các chất độc hại có trong đó… góp phần hình thành các không gian cảnh quan mang lại giá trị thẩm mỹ và môi trường. Sự đa dạng của thành phần loài góp phần đa dạng sinh học cho môi trường đô thị và cũng góp phần nâng cao tính ổn định và hạn chế rủi ro về dịch bệnh của hệ sinh thái đô thị (đa dạng sinh học bao gồm cả phát triển các loài sinh vật mang vai trò thiên địch đối với các loài sâu bệnh hại đô thị ví dụ như: cóc, ếch, kiến và bọ ngựa).
Chuyên gia về phát triển đô thị của tổ chức JICA, ông Mizosicho rằng: Việc các đô thị Việt Nam thiếu cây xanh có nguyên nhân từ ý thức con người, từ người quy hoạch/quản lý đến người dân, trong việc phát triển và gìn giữ một môi trường xanh.
Còn theo TS-KTS. Nguyễn Trọng Hòa, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu và Phát triển TP. Hồ Chí Minh: Nhìn nhận chung, quy hoạch và quản lý đô thị ở nước ta vẫn còn bị ảnh hưởng của tập quán bao cấp, chủ yếu dựa vào các nguyên tắc thiết kế tĩnh, thiếu linh hoạt theo hướng thị trường.
Đơn cử như quy định về tỷ lệ cây xanh ở đô thị cũng như quy hoạch đều rất chuẩn nhưng thực tế những quy hoạch đó, quy chuẩn đó có ai làm không? Nó có được tuân thủ không? Điều đó sẽ quyết định từ những con người quản lý, thực thi và ý thức của người dân.
Theo ước tính, hiện tỷ lệ cây xanh tính theo đầu người ở nội đô Hà Nội chưa đến 2m2 trong khi tại Singapore là 30m2, Seoul (Hàn Quốc) là 41 m2 hay Berlin (Đức) là 50m2. Theo quy hoạch chung xây dựng thủ đô đến 2030 tầm nhìn 2050 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, tỷ lệ cây xanh trung bình cũng mới đạt từ 10-15m2/người, vẫn thấp hơn khá nhiều so với tiêu chuẩn mà Liên Hợp Quốc đề ra là 39m2/người |
Với kinh nghiệm từ những nước như Singapore, Malaysia… thì việc cây xanh là việc của toàn thể người dân ở đô thị. Người dân có ý thức thực sự trong việc phát triển cây xanh ở chính nơi họ sinh sống, làm việc. Họ ý thức được rằng điều này có được lợi ích cho chính bản thân họ và cho công đồng.
Công tác phát triển hệ thống cây xanh không thể chỉ dựa vào nguồn lực của nhà nước, sự hỗ trợ của các tổ chức, cá nhân đóng vai trò vô cùng to lớn và hiệu quả khi được phát huy. Tuyên truyền và vận động người dân trồng cây xanh theo định hướng quy hoạch chung và các hồ sơ thiết kế cảnh quan cây xanh đường phố cho các vị trí trồng cây xanh trước cửa nhà cũng là giải pháp nhằm tăng cường sự đóng góp của người dân, đồng thời tăng cường ý thức bảo vệ theo tinh thần “nhà nước và nhân dân cùng làm”. Tuy nhiên, sự tham gia của cộng đồng trong việc đầu tư hạ tầng cây xanh ở quy mô lớn cần gắn giữa lợi ích các bên. Giải pháp đổi đất lấy hạ tầng (xanh) hay cơ chế về lợi ích của các bên tham gia đầu tư cây xanh rõ ràng sẽ góp phần không nhỏ trong việc kêu gọi đầu tư phát triển hệ thống cây xanh đô thị của Hà Nội từ nguồn lực ngoài nhà nước.
Việc xã hội hoá phát triển cây xanh cho đô thị cũng là một hướng đi cần phải nhân rộng. Ví dụ như tại Hà Nội, một số dự án nhà ở đang là một điển hình tốt cho một khu đô thị xanh. Tại đó, chủ đầu tư đã đưa ra một bài toán đúng khi quyết định xây dựng một khu đô thị xanh, được nghiên cứu, quy hoạch với diện tích cây xanh, mặt nước chiếm tỷ lệ cao…