Ta vẫn thường nghe nói: Mùa xuân trăm hoa đua nở. Đây là hiện tượng tự nhiên hết sức bình thường. Vậy cây cối đơm hoa kết trái vào mùa xuân là nhờ vào yếu tố nào? Bài viết dưới đây sẽ giải đáp cho các bạn.
Những loài cây nở hoa đã ra đời khoảng 100 triệu năm trước. Khi khí hậu trái đất thay đổi, một số loài thực vật đã phát triển ra những chiến thuật để ém mình vào mùa đông và bùng nở vào mùa xuân. Những loài cây này sẽ không nở hoa cho đến khi nào chúng cảm thấy mùa đông đã qua. Quá trình đó gọi là sự xuân hóa. Vì sao chúng lại làm vậy và yếu tố nào giúp chúng nhận biết được khoảng thời gian đó?
Thích nghi để sinh tồn
Đây là một định luật của thiên nhiên áp dụng cho mọi sinh vật, không thích ứng được với môi trường mới thì sinh vật đó bị diệt vong. Thực vật xuất hiện trên địa cầu cách đây khoảng 2,7 tỷ năm. Kể từ đó đến nay, hàng loạt quá trình biến đổi liên tục của khí hậu trên trái đất từ nóng lên cho đến kỷ băng hà, cứ mỗi lần biến đổi như vậy, một số sinh vật bị tuyệt chủng. Số sinh vật sống sót phải tự “đúc kết” ra những chiến thuật để sinh tồn. Những “kinh nghiệm” này sẽ được quy định trong gen của từng loại cây, ở từng vùng sinh thái khác nhau sẽ khác nhau.
Cây hoa phải thích nghi để sinh tồn
Cây truyền chủng qua hạt. Để con cháu sinh tồn, cây phải biết ra hoa, kết trái, rụng hạt lúc nào để hạt mọc thành cây con, và cây con có khả năng sống sót qua điều kiện ngoài môi trường. Hai yếu tố quan trọng nhất để thực vật sống và tăng trưởng là nước và nhiệt độ.
Ở vùng lạnh, yếu tố nước không quan trọng mà chính nhiệt độ giữ vai trò chính cho sinh tồn. Để hạt không nảy mầm và tránh cho cây con có thể bị chết do trời lạnh, cây ở những vùng này biết lúc nào cho hạt chín và rụng. Ngoài ra, cây cũng còn biết cách “che chở” hạt sống qua mùa đông hoặc bằng cách “ngủ” (hưu miên), ngủ bao lâu, và biết lợi dụng giá buốt để kích động hạt nảy mầm và ra hoa khi tới tuổi trưởng thành. Quá trình này gọi là hiện tượng đông hàn hay xuân hóa.
Các loài cây hoa vùng lạnh
Có thể bạn quan tâm: Hướng dẫn chăm sóc cây phong lan khi trời trở lạnh
Ở vùng nhiệt đới, vì trời ấm hay nóng quanh năm, nhiệt độ trở thành không quan trọng. Ngược lại, nước mới quan trọng, vì mưa theo mùa. Do đó, mỗi loài cây phải tự lên “kế hoạch” cho mình, để làm sao hạt nảy mầm được khi có nước trong mùa mưa, và cây con có đủ hệ thống rễ khả dĩ sống được trong mùa khô hạn kéo dài, chờ đợi mùa mưa năm tới.
Cây hoa vùng nhiệt đới
Vì vậy, mỗi loài cây phải “biết thời tiết” để tự “kế hoạch sinh sản”. Mỗi loài cây cũng phải tự “biết mình” là từ ngày ra hoa đến ngày hạt chín rụng là bao nhiêu ngày, nó cũng phải biết là hạt có thể sống bao lâu trong đất trước khi gặp nước để nảy mầm, và nảy mầm vào thời điểm nào là thích hợp.
Với các loài thực vật, nở hoa trước thời điểm xuân phân cũng có thể gây tử vong. Vì vậy sự chính xác là rất quan trọng. Hoa không chỉ cần một công cụ giống như nhiệt kế để đo nhiệt độ bên ngoài, mà chúng cần đếm đủ tháng mùa đông.
Cây hoa vùng nhiệt đới cần tự tính toán chính xác thời điểm nở rộ
Cây hoa biết “đọc lịch”
Trước nhất, cây cối là các nhà toán học, rành về xác suất, cây biết cho hoa nở không cùng một lúc, có cái trước, có cái sau, trải dài một vài tuần, có nhiều loài kéo dài vài tháng, hay có loài hoa nở thành 2-3 mùa hoa một năm, để bảo đảm khi hạt chín thế nào cũng có một số hạt trúng vào mùa mưa nhiều, nếu mùa mưa đến trễ hay sớm.
Như vậy, làm sao cây biết làm lịch thảo kế hoạch thực hiện cho mình? Thời tiết và mùa mưa có thể thay đổi, không năm nào giống năm nào, nhưng có thể dựa vào xác suất để phân loại. Cây biết rằng mùa có thể thay đổi, đến sớm hay muộn, nhưng chu kỳ trục quay của trái đất không thay đổi. Trục trái đất khi nghiêng qua rồi nghiêng lại, tạo ra ngày dài ngắn khác nhau theo mùa. Thời tiết vì thế cũng có liên hệ với góc độ của trục quay của địa cầu.
Cây biết rằng mùa thay đổi nhưng chu kỳ trái đất không thay đổi
Trong khi chiều dài của mùa đông thì hoạt động theo giờ của bông hoa phụ thuộc vào chiều dài của ngày. Vào năm 1920, các nhà nghiên cứu đã bắt đầu trồng hoa dưới ánh sáng nhân tạo. Những thí nghiệm cho thấy cây chỉ nở hoa khi chúng nhận ra thời điểm thích hợp của ánh sáng ban ngày.
Cây chỉ nở hoa khi chúng nhận ra thời điểm thích hợp của ánh sáng ban ngày, và lượng ánh sáng ban ngày thích hợp chỉ có thể có ở mùa xuân
Lá cây nhạy cảm với thời gian của ngày, và dùng thời gian ban ngày, đúng hơn là thời gian ban đêm, làm lịch. Lá cây sử dụng một sắc tố protein nhận màu để nhận biết cường độ ánh sáng. Sắc tố này được tạo nhiều nếu đêm dài hơn ngày, là yếu tố cần thiết để kích động bộ máy di truyền gen làm nhiệm vụ điều khiển việc tạo hoa.
Như vậy, đối với một loài cây, vào mùa có ngày ngắn dần (hay đêm dài dần) tới một thời điểm cây bắt đầu chứa nhiều sắc tố để phát động ra hoa. Nếu ngày dài hơn số giờ này, cây không ra hoa.
Ví dụ: Tại Sài Gòn, ngày 21/9 ngày dài 12 giờ, cây mai chưa phát động việc ra hoa. Sau ngày này, ngày ngắn dần, cho tới khoảng chừng 1/11 dương lịch là lúc ngày chỉ dài 11 giờ 10 phút, đạt giới hạn thì cây sẽ bắt đầu phát động tạo hoa, để hoa mai nở trong mùa Xuân, dịp Tết.
Cây mai biết tính toán thời gian phát động ra hoa
Tương tự, hoa cúc dại có nhật kỳ cao hơn nên hoa nở sớm hơn, vào khoảng cuối thu (tháng 11). Con người qua hàng ngàn năm đã tuyển chọn loài có nhật kỳ ngắn hơn, và dùng kỹ thuật để ép hoa cúc nở vào dịp đúng Tết.
Một ví dụ: Kỹ thuật cho hoa Đỗ Quyên nở đúng dịp Tết
Hoa cúc dại có nhật kỳ cao hơn nên nở sớm hơn
Tuy cây hoa chỉ là thực vật nhưng chúng cũng có thể nhận biết, thích nghi và phát triển một cách khôn khéo để sinh tồn. Bởi vậy mà mùa xuân chính là mùa của cây hoa, trăm hoa đua nở, đơm hoa kết trái.